Mồi crank là mồi gì?
Kiểu mồi này được làm từ gỗ balsa hoặc nhựa, có bi bên trong, hình dáng tựa như trái ô-liu, phần đầu con mồi thường có đường kính lớn hơn phần đuôi và luôn được gắn một cái thìa (môi) bằng nhựa cứng hay kim loại, ngắn hay dài tuỳ theo độ lặn sâu theo nhu cầu sử dụng, chính đặc điểm này khi được quăng xuống nước và thu dây máy câu, con mồi tức thì lặn ngay trong tích tắc.
Tùy theo địa hình câu mà ta chọn con mồi có thể ‘lặn’ sát đáy nhờ cái thìa trên đầu để làm sủi bụi, sục bùn dưới đáy, cái thìa này rất hữu ích trong trường hợp:
Làm bộ phận ‘chống vướng’
Khi bắt đầu thu dây máy câu, con mồi Crank sẽ tạo một lực rung đều đặn và khá mạnh lên ngọn cần câu, đến nỗi cần thủ có thể cảm nhận được, kết hợp với sự rung động, va chạm của các viên bi bên trong thân tạo nên các tần số sóng âm, sự dao động và tần số sóng âm này sẽ càng khuếch đại, lan tỏa rộng trong nước khi cái thìa của con mồi chạm phải lớp đáy tại điểm câu. Có nhiều khi chính cái thìa này sẽ vẹt đi những chướng ngại vật gặp phải trên đường di chuyển của nó như: sỏi đá vụn nhỏ, vỏ sò, vỏ ốc, rác lá cây mục… hoặc sẽ lộn nhào khi đụng phải vật cản cứng và to lớn như gốc cây, đá tảng, …
Sục mồi
Ở những vùng nước có đáy phủ cát (như bãi biển, gần cửa cống đầm tôm), đáy có vỏ sò, ốc (như đầm Mậu ở Phước An) hay đáy bùn mỏng (bên Dần Xây, Lý Nhơn – Cần Giờ), lúc này con mồi Crankbait sẽ nhập vai là chú cá nhỏ ‘sục’ tìm mồi một cách rất tự nhiên, đang bươi đáy để tìm những sinh vật có thể làm thức ăn như trùn, ốc nhỏ, tôm con, sinh vật phù du, …
Kỹ thuật sử dụng mồi Crank
Kỹ thuật ‘cào’ đáy này thực hiện khá đơn giản, khi quăng con mồi xuống nước, ta thu dây để con mồi lặn sâu xuống đáy và cứ vậy thu dây từ từ đều tay, khi gặp chướng ngại vật, ta sẽ cảm nhận được ngay thông qua tín hệu từ ngọn cần xuống cánh tay, lúc đó ta ngừng thu dây, con mồi sẽ nổi từ từ lên mặt nước và tránh bị vướng. Tùy theo kinh nghiệm câu của mỗi người và địa hình tại điểm câu mà ta có thể xác định việc tiếp thu dây hay ngừng khi con mồi gặp chướng ngại vật.