Dây Dù PE Braid là một trong ba loại dây câu phổ biến nhất cùng với dây Mono và FluoroCarbon. Với sự tiến bộ của công nghệ, PE ngày càng được hoàn thiện với những ưu điểm như độ bền kéo lớn trên cùng một đơn vị đường kính; độ mảnh giúp ném xa và ít cản nước khi tạo ation mồi; không co giãn để đảm bảo tín hiệu mồi truyền đạt hiệu quả… Tuy nhiên, đối với những cần thủ mới, một trong những ám ảnh và cũng là tranh cãi lớn nhất khi sử dụng dây PE chính là hiện tượng nổ dây khi câu. Sự khó lí giải và những cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề này sau đó dẫn đến… một cuộc tranh cãi khác về cách thử tải dây như thế nào là đúng?
I. NGUYÊN NHÂN HIỆN TƯỢNG NỔ DÂY
Có thể nói câu cá nói riêng và các môn thể thao ngoài trời nói chung đều có vô số những “biến số” phụ thuộc vào ngoại cảnh, khiến cho bất cứ một hiện tượng nào cũng khó có thể lí giải nguyên nhân chính xác và cũng thường không có một nguyên nhân duy nhất cấu thành. Hiện tượng nổ dây cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên có một số lí do tiêu biểu đến từ cả điều kiện khách quan và chủ quan để anh em tham khảo cho trường hợp của mình.
1. Nhược Điểm Của Dây PE Là Sức Chịu Đựng Các Tác Động Đột Ngột
Nếu so về yếu tố giật sốc thì dây mono là lợi thế hơn cả, tiếp đến là fluorocarbon, dây PE nói chung ít có khả năng chịu các tác động đột ngột kiểu như đóng lưỡi mạnh hay giật đầu cần một cách mạnh bạo. Đây là nhược điểm gây ra rất nhiều sự khó hiểu cho những cần thủ mới sử dụng dây PE khi dây bỗng nổ trong khi cảm tưởng về cú kéo không hề có nhiều lực. Những cần thủ kinh nghiệm sẽ thường mở phanh drag nhẹ hơn thông thường và siết lại sau đó tùy theo sức mạnh của con cá. Hoặc sử dụng một cây cần có action vừa phải để tránh nổ dây khi đóng cá. Một phương pháp tiêu biểu khác là sử dụng dây ngọn (leader) để tạo độ giãn nhất định, vì thế một số dòng dây leader được nhà sản xuất đặt tên trực tiếp là “shock leader” để định hướng sử dụng cho mục đích này.
Các loại dây leader
2. Nút Buộc Ảnh Hưởng Tới 30% Lực Tải Của Dây Câu
Theo các thử nghiệm của hãng dây câu FINS (Hoa Kỳ) các nút buộc ảnh hưởng tới 30% độ bền kéo thực tế của các loại dây câu. Chính vì lí do này mà cần thủ khắp thế giới đã thử nghiệm và sáng tạo ra rất nhiều các kiểu knot khác nhau để tối ưu độ chắc chắn của dây cũng như phù hợp với kiểu câu của mình. Ngoài kiểu buộc, chất lượng nút buộc cũng là yếu tổ quan trọng quyết định đến sức tải của dây câu.
Mặt khác, vấn đề nút buộc cũng là sai lầm tiêu biểu của các “thử nghiệm test dây tại nhà” khiến anh em cần thủ băn khoăn khi tự test và đánh giá chất lượng tải dây. Trong phương pháp test dây của Hiệp Hội Câu Cá Thể Thao Quốc Tế (mà chúng tôi sẽ mô tả ở phần sau) cũng như của nhiều kênh kiểm định độc lập, việc thử tải không có các nút buộc mà dây được cuốn trên trục của máy kéo.
3. Dây Bị Xước, Xơ Do Điều Kiện Nước Và Địa Hình
Kết cấu của dây PE là nhiều sợi nhỏ được bện lại thành một sợi to, ví dụ như dây 8x là 8 sợi bện, 12x là 12 sợi bện… Ưu điểm của chúng là tạo nên kết cấu chắc khỏe tối ưu độ bền kéo trên một đơn vị đường kính. Nhưng nhược điểm là khi một trong các sợi nhỏ bị bung, dây bị xước do ma sát với địa hình, tính cân bằng chịu tải sẽ mất đi và khiến dây nổ nếu không sớm được phát hiện. Bên cạnh đó, khi dây liên tục tiếp xúc với nước sẽ có độ thấm nước nhất định. Cuốn theo đó là chất bẩn hoặc sự ăn mòn của các khu vực nước có độ pH cao làm dây nhanh chóng xuống cấp đồng thời cũng làm ảnh hưởng tới dàn khoen của cần, khi dàn khoen tổn thương sẽ tác động ngược lại với dây khiên dây dễ xước, xơ… Để khắc phục tình trạng này, anh em có thể sử dụng các loại dầu/ sáp dưỡng dây vừa hạn chế thấm nước, bám bẩn trên dây vừa giảm ma sát khi di chuyển qua địa hình, giúp dây có độ bền cao hơn và tránh bị nổ.
Ngoài các nguyên nhân trên còn có rất nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến độ bền của dây. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến bất kỳ nguyên nhân nào, cách ngăn chặn nổ dây tốt nhất vẫn là thói quen thường xuyên chú ý và “chăm sóc” tốt cho cuộn dây của mình trước mỗi chuyến đi và trong mỗi đường ném.
Một số loại dầu dưỡng dây
4. Các Nguyên Nhân Thường Gặp Khác
- Vào dây không chặt, lớp trên chồng xuống lớp dưới, khi ném dẫn đến việc dây bị thắt vào nhau dẫn đến kẹt dây tạo ra lực căng đột ngột khiến dây bị nổ
- Khi thu mồi không tải dây bị lỏng khi cuốn vào spool, cũng giống như việc vào dây không chặt, khiến đường ném tiếp theo sẽ không chuẩn hoặc bị nổ do dây vào lỏng, với các cần thủ lâu năm khi thu mồi không tải thường sẽ nắm dây tạo lực siết giúp máy vào dây chặt hơn
- Sau khi dòng cá lớn, dây ở ngoài siết xuống dây ở dưới trên spool cũng khiến dây bị kẹt, có thể khiến dây bị nổ trong lần ném tiếp theo. Trường hợp này ở lần ném tiếp theo nên ném nhẹ lực hơn để ra hết đoạn dây kẹt trước đó rồi thu dây lại cho chặt
- Do cách ném mồi của máy ngang với máy dọc khác nhau, máy dọc ném bằng lực cánh tay trong khi máy ngang ném bằng sức nẩy của cần với độ nặng của con mồi nên với cần thủ mới chuyển từ máy dọc sang máy ngang cũng dễ bị nổ dây, rối dây do ném quá mạnh.
II. PHƯƠNG PHÁP THỬ TẢI DÂY CÂU
1. Phương Pháp Của IGFA
Để đóng góp cái nhìn đa chiều về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu phương pháp test dây của Hiệp Hội Câu Cá Thể Thao Quốc Tế (International Game Fishing Association – IGFA). Bên cạnh đó là so sánh với cách thử nghiệm “dân dã” tạo ra những hiểu lầm phổ biến của anh em khi đánh giá chất lượng dây.
Phương pháp của IGFA cũng là phương pháp được nhiều kênh kiểm định độc lập sử dụng để mô phỏng sát nhất khả năng chịu tải của một mẫu dây trong điều kiện thực tế. Cụ thể, phương pháp này có một số yếu tố gồm:
- IGFA sử dụng máy kéo chuyên dụng (cụ thể là Instron 5543) trong quá trình thử nghiệm. Kết cấu của các loại máy này là KHÔNG CÓ NÚT BUỘC mà dây sẽ được cuốn xung quanh 2 cuộn trục để đảm bảo “dây thẳng” (straight line).
- Mẫu thử được sử dụng có chiều dài 10inch (~25cm) tính từ 2 đầu đoạn dây được kéo căng.
- Mỗi mẫu thử được thử nghiệm kéo giãn đến khi đứt 5 lần trước khi tính giá trị trung bình cũng như quan sát lực tải qua các lượt kéo.
- Kết quả thử tải được phản ánh qua khái niệm “Độ Bền Kéo” (Tensile Strength) là một phép tính dựa trên đường kính của một sợi dây và lực cần thiết để làm đứt sợi dây đó. Kết quả thu được là đơn vị Pound trên inch vuông (PSI). Chỉ số PSI càng cao thì độ bền kéo càng lớn. Điều này cho phép so sánh giữa các sợi dây có đường kính khác nhau. Công thức tính của Độ Bền Kéo là Độ bền kéo trung bình / (Pi x ((Đường kính/25.4)/2)^2).
- Các bạn có thể xem thêm các bài kiểm tra dây của nhiều hãng dây nổi tiếng trong mục Line Testing của IGFA tại đây
- Thành viên của IGFA cũng có thể gửi các mẫu dây tới IGFA để kiểm tra với 1 chút chi phí, xem thêm tại đây
Một video thử tải dây của IGFA
2. Phương Pháp Của Line Laboratory
Line Laboratory là một website độc lập, không được tài trợ, các thử nghiệm được đánh giá kĩ lưỡng với nhiều loại dây phổ biến được các cần thủ tin dùng. Quy trình kiểm tra của Line Laboratory bao gồm 4 thử nghiệm chính được thử nghiệm trên mỗi loại dây bao gồm:
- Kiểm tra đường kính và cấu trúc của dây: Sử dụng kính hiển vi có độ phóng đại cao hoặc phương pháp mới đo 360° bao gồm đo đường kính, sau đó xoắn 45° và đo lại. quá trình này được lặp lại 8 lần
- Độ căng đứt tối đa: được đo bằng máy chuyên dụng kết nối với máy tính, cho phép ghi lại các bản ghi thời gian thực nhiều lần mỗi giây và biểu đồ thời gian, cùng với lực đứt cực đại
- Khả năng chịu mài mòn: phương pháp của Line Laboratory khác với thử nghiệm của các bên khác là thực hiện dưới dạng số lần dây có thể đi qua lại trên giấy nhám với một trọng lượng nhất định được gắn vào. Line Laboratory thực hiện đo lượng áp suất có thể tác dụng lên một đường dây khi nó tiếp xúc với bề mặt mài mòn
- Cuối cùng là khả năng chịu tải với nút buộc FG (nút buộc FG theo phương pháp FG Wizz): phương pháp này quấn 10 vòng mỗi bên với dây Leader (tổng là 20 vòng), sau đó thắt một nửa nút ở đây dây PE xung quanh dây Leader để khóa nút, cuồi cùng, hoàn thiện bằng 4 nút thắt một lần nữa bằng cách sử dụng đầu của day PE và quấn quanh cả dây PE lẫn Leader
Các thử nghiệm của Line Laboratory các bạn có thể xem thêm tại Website hoặc kênh Youtube của họ
Một video thử tải dây của Line Laboratory
3. Phương Pháp “Dân Dã”
Bây giờ, chúng ta có thể so sánh một số phương thức thử tải “dân dã” thường được biết đến trong dân gian. Có lẽ phổ biến nhất là phương pháp sử dụng “lực kéo tay” và phương pháp thử tải bằng vật nặng có trọng lượng cố định. Những phương pháp này không phải không có cơ sở nhưng thực tế chúng có những nhược điểm nhất định khiến cho sai số xuất hiện nhiều.
- Phương pháp 1: sử dụng lực kéo tay là phương thức anh em cuốn dây vào 2 ống cuộn tròn hoặc trực tiếp vào tay mình rồi kéo thử. Cách thử nghiệm này rất giống với cách máy test kéo hoạt động. Tuy nhiên lực tay của một người bình thường có tính tương đối và sự chênh lệch rất khác nhau ở từng người. Lực kéo tay của một nam giới trưởng thành có thể rơi vào khoảng hơn 50kg. Trong khi đối với các cần thủ, những người vốn dĩ có đôi tay khỏe mạnh hơn hẳn người bình thường có thể còn tạo ra lực kéo lớn hơn rất nhiều. Điều quan trọng hơn là sự thay đổi về lực tải khi thử bằng tay khác với thử bằng máy là sự gia tăng không đều ở các giai đoạn. Trong khi chúng ta đã biết rằng dây dù có nhược điểm là Sức Chịu Đựng Các Tác Động Đột Ngột. Việc này khiến cho test tải bằng lực kéo tay không đem lại độ chính xác.
- Phương pháp thứ 2: phổ biến được sử dụng là anh em lấy đoạn dây câu buộc vào một vật nặng (như quả tạ, hòn gạch, can nước…) rồi kéo dần lên đến khi dây đứt. Hoặc gia tăng trọng lượng của vật nặng sau mỗi lần nhấc. Cách này không chỉ có nhược điểm là cũng tạo ra sức nặng đột ngột, khiến dây dễ nổ hơn. Mà còn có một sự tham gia của một nhược điểm khác: nút buộc. Việc sử dụng nút buộc đơn giản và thiếu cân bằng khiến cho sức tải của dây có thể bị giảm đi tới 30%, như đã được mô tả ở phần trên của bài viết. Vì vậy, phương pháp này cũng không cho kết quả chính xác!
Cùng với đó, cả 2 phương pháp dân gian này đều bỏ qua yếu tố đường kính của dây trong công thức về Độ Bền Kéo (Tensile Strength). Hay chính xác hơn là Độ Bền Kéo trong mối tương quan với đường kính dây chủ yếu được ước lượng tương đối.
Tóm lại, đối với hiện tượng nổ dây, thay vì lo lắng khiến cuộc chơi mất đi tinh thần thoải mái và thú vị, anh em hãy lựa chọn các dòng dây chất lượng, chính hãng & chăm sóc kỹ càng cho cuộn dây của mình để yên tâm trải nghiệm. Còn với việc test tải dây, thực tế rằng các phép thử “tại chỗ” có tính tương đối và sai số cao. Việc rơi vào các cuộc tranh cãi dựa trên kết quả thử như vậy là không cần có và sẽ không đi đến bất cứ kết luận thống nhất nào.
Dây PE Chính Hãng
HOA BAN CAMP™ sưu tầm và tổng hợp.